GHC GLOBAL HALAL CERTIFICATION COMPANY LIMITED
CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN HALAL TOÀN CẦU GHC

Halal make everything better – Halal làm mọi thứ tốt hơn

MEMBER OF WORLD HALAL CERTIFICATION ASSOCIATION

Khai mở tiềm năng cho doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường Halal tại Saudi Arabia

cac-dai-su-va-khach-moi-tham-quan-khu-bay-ban-san-pham-tra-cay-rau-va-gia-vi-viet-nam

Thị trường Halal tại Saudi Arabia đang phát triển sôi động và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Sự sôi động đó có thể mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Halal tại Saudi Arabia.

Trong hơn 20 năm qua, Saudi Arabia và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Saudi Arabia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so mức năm 2021, con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch…

Với việc Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” – đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, hai nước Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác khi Saudi Arabia là một trong những đối tác và thị trường ưu tiên của Việt Nam về Halal.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam 

Với nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, văn hóa, thói quen, xu hướng tiêu dùng của người dân ở Saudi Arabia, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra nhận định có nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Halal tại Saudi Arabia.

TS. Đỗ Đức Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa – Giáo dục, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho biếthiện nay, Việt Nam đã ký kết và là thành viên của nhiều hiệp định tự do thương mại với nhiều nước và khu vực. Những thỏa thuận này mở ra những cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường Halal.

Tuy Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tự do thương mại với Saudi Arabia nhưng hai bên đã kí kết Thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với thuế đánh vào thu nhập. Điều này cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu tới thị trường Saudi Arabia.

Hơn nữa, do có vị trí địa lý gần 2 thị trường tiêu thụ cũng như sản xuất sản phẩm Halal lớn nhất thế giới (Indonesia và Malaysia) đồng thời cũng là 2 quốc gia Hồi giáo đông đúc mang lại cho Việt Nam những cơ hội hợp tác và học hỏi về quy trình sản xuất, chứng nhận Halal cũng như định hướng xuất khẩu từ những thị trường này.

Đặc biệt, các tổ chức kiểm định và cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam có thể đàm phán với các tổ chức tương ứng ở các nước này để đạt thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal. Một khi chứng nhận Halal của Việt Nam được công nhận bởi một hoặc nhiều quốc gia Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt được chứng nhận Halal nhanh và dễ dàng hơn ngay trong nước mà không cần thông qua các nhà kiểm định nước ngoài hoặc từ các nước nhập khẩu.

Cùng quan điểm, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, Saudi Arabia đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mại Halal toàn cầu và đẩy mạnh liên kết thương mại với các nền kinh tế Halal hàng đầu thế giới như: Malaysia, Indonesia…

Trong khi đó, sự phát triển của ngành Halal Việt Nam thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được các chuyên gia nhận định có thể tận dụng thế mạnh sẵn có về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; mức độ hội nhập quốc tế kinh tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, để phát triển ngành Halal.

Theo ông Bùi Hà Nam, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, giao Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan tích cực trao đổi, đề xuất với các đối tác tiềm năng tại Trung Đông – Châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á…

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, lấy ý kiến của 100 đầu mối liên quan (bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo, tổ chức chứng nhận…), ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, giao Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối.

Bộ Ngoại giao đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đề án trong năm 2023, trong đó tập trung các nhóm giải pháp lớn như: Lồng ghép nội dung phát triển ngành Halal Việt Nam trong hợp tác song phương với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu…

Thâm nhập vào thị trường ‘khó tính’

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù dân số Hồi giáo và dân số Saudi Arabia ngày càng tăng và thị trường tiêu thụ Halal ngày càng phát triển nhưng những khác biệt về tôn giáo đã biến thị trường này trở thành một thị trường “khó tính” đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều quy định đặc thù về Halal khó có thể áp dụng bắt buộc tại Việt Nam, do sự khác biệt về quan điểm tín ngưỡng, đạo đức. Ví dụ, theo các quốc gia Hồi giáo, việc giết thịt heo và các động vật có móng được xem là hành vi vi phạm lời dạy của thánh Allah và là vi phạm luật pháp Hồi giáo. Nhưng hành vi này không bị xem là vi phạm đạo đức đối với người Việt Nam, vì vậy, không thể thành lập những quy phạm pháp luật để hạn chế, ngăn cấm đối với hành vi này…

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất Việt Nam cần phải hiểu các quy tắc trong Luật Hồi giáo về Halal, haram cũng như hiểu thói quen và xu hướng tiêu dùng của người Đạo Hồi để đáp ứng được những quy chuẩn khắt khe của thị trường này.

Đặc biệt, để xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường “khó tính” này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Đạt được chứng nhận Halal phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra phức tạp, không thống nhất.

Hiện tại, không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp chứng chỉ Halal mà mỗi quốc gia có các cơ quan kiểm duyệt và cấp chứng nhận Halal riêng như JAKIM (Malaysia), GCC Accredittation Center (các nước vùng Vịnh), ESMA (UAE), MUIS (Singapore), CICOT (Thái Lan), KFDA (Hàn Quốc).

Sản phẩm muốn đạt chứng nhận Halal không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của quốc gia sản xuất mà còn cả quốc gia nhập khẩu. Vì lý do này, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal.

Các tiêu chí Halal rất chặt chẽ đối với các mặt hàng thực phẩm từ động vật từ khâu chăn nuôi tới giết mổ và chế biến. Hiện xuất khẩu Halal của Việt Nam mới chủ yếu là nông sản (hạt điều, cafe, thanh long, chanh và một số loại hoa quả theo mùa) và các nguyên liệu thô (than củi). Các sản phẩm Halal của Việt Nam cũng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Hồi giáo trong đó có Saudi Arabia.

Như vậy, thị trường Halal tại Saudi Arabia là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cần có nhiều biện pháp để có thể thâm nhập vào thị trường này. Yêu cầu đặt ra, đó là phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, hướng tới từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal…

Hiện nay, các tổ chức chứng nhận Halal ở Việt Nam đều là các văn phòng tư nhân được các tổ chức Halal trên thế giới như JAKIM, GCC Accredittation Center, ESMA, MUIS, CICOT công nhận. Tuy nhiên, quy trình cấp, cấp lại giấy phép cũng như điều kiện cần để đáp ứng về cơ sở vật chất, chứng chỉ thực hiện hoạt động kiểm nghiệm, quy trình xét nghiệm sản phẩm, cơ chế báo cáo hoạt động… vẫn chưa được quy định cụ thể.

Do đó, cần xúc tiến thành lập cơ quan có thẩm quyền về chứng nhận Halal để có hướng dẫn cụ thể, quy trình thống nhất về cấp chứng nhận sản phẩm Halal, có quy định về việc cấp lại, thu hồi Chứng nhận Halal và có các cơ chế xử lý vi phạm để tránh những “lỗ hổng” pháp luật có thể xảy ra ở lĩnh vực này.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, các bộ ngành, cơ quan cũng cần có giải pháp nâng cao hiểu biết về sản phẩm Halal và văn hóa Hồi giáo của các nhà sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal…

Đối với các doanh nghiệp Việt muốn tiếp cận thị trường Halal tại Saudi Arabia, cần tích cực đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Saudi Arabia thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các triển lãm thực phẩm, các tuần lễ ẩm thực hoặc các diễn đàn Halal ở nước sở tại; tìm hiểu thị trường hoặc tiến hành khảo sát trên quy mô rộng để hiểu được thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của người dân Hồi giáo tại Saudi Arabia..

Đã xây dựng 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để xây dựng 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi về Halal; Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật).

Các TCVN này được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về Halal như: UAE, Saudi Arabia, Malaysia nên có giá trị cao với các địa phương, doanh nghiệp.

Bộ KH&CN hiện cũng đang nghiên cứu khả năng thúc đẩy ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang tiếp tục trao đổi với các bên liên quan phương án xây dựng đề án Thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia, đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Xem bài viết gốc tại đây

Share the Post:

Bài viết liên quan

Ban Tôn giáo Chính Phủ ghé thăm trụ sở văn phòng GHC

Vào chiều ngày 03/10/2024, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có chuyến thăm chính thức…